Hạ đỏ
Phan_6
Không thể im lặng đi bên cạnh Út Thêm mãi được, tôi bèn lấy hết can đảm gợi chuyện:
– Út Thêm nè!
– Anh bảo gì? – Giọng Út Thêm lí nhí.
Tôi hít một hơi đầy lồng ngực:
– Út Thêm có thích đọc truyện không? Tôi có nhiều truyện lắm. Toàn truyện hay không hà.
Tôi tính giở mửng cũ. Nhưng Út Thêm không phải là nhỏ Thơm. Nó làm tôi chưng hửng:
– Út không thích.
Tôi nuốt nước bọt:
– Truyện mà không thích?
– Ừ.
Tôi cắn môi:
– Chứ Út Thêm thích gì?
– Út cũng… không biết.
Giọng Út Thêm ngập ngừng. Nó nói kiểu đó khác nào nó đánh đố tôi . Nó còn không biết nó thích gì thì chỉ có trời mới biết. Tôi không phải là trời . Do đó, tôi chuyển đề tài:
– Ngày mai Út Thêm có đi xay thóc nữa không?
– Không.
– Ngày mốt?
– Mốt cũng không.
Tôi hỏi và nghe tim mình thót lại:
– Vậy chẳng bao giờ Út Thêm đi ra ngoài này à?
Út Thêm cười . Nó khoe răng khểnh:
– Ngày nào mà Út chẳng đi ngang đường này . Út đi chợ trên Bình Trung.
Út Thêm “thông báo” tin đó một cách vô tư . Trong khi đó, tôi tưởng như nghe một lời … hò hẹn. Đầu tôi choáng váng. Lòng tôi tràn ngập hân hoan. Tôi thầm cảm ơn chợ Bình Trung. Tôi cảm ơn chợ Bình Trung đã nằm ở… Bình Trung, để Út Thêm mỗi ngày phải đi ngang ngõ trúc. Chứ nếu chợ Bình Trung chơi xỏ tôi bằng cách nằm ngay xóm Miễu thì suốt đời tôi đừng hòng gặp lại Út Thêm.
Trước niềm vui choáng ngợp đó, tôi đâm ra dạn dĩ:
– Ngày mai tôi đợi Út Thêm ở đây nghen?
– Chi vậy ?
Câu hỏi cắc cớ của Út Thêm khiến tôi chết đứng. Đang hào hứng ba hoa, tôi bỗng ngậm tăm. Hệt như chiếc xe đang chạy ngon trớn bỗng vấp phải ổ gà. Nhưng tôi không giận Út Thêm. Nhìn vẻ mặt thành thật của nó, tôi biết nó không cố ý kê tủ đứng vào miệng tôi . Út Thêm là con gái quê, cái gì không biết thì nó hỏi . Chính vì không biết tại sao một người con trai phải đợi một người con gái vào một buổi sáng tại một cây cầu cho nên nó đã hỏi . Và tôi đã nghẹn họng.
Chính vườn cây nhà nhỏ Thơm đã cứu tôi . Đang lúc bối rối, tôi sực nhớ tới những trái xoài lủng lẳng trong vườn nhà nó. Và tôi lập tức trả lời câu “phỏng vấn” hóc búa của Út Thêm:
– Tôi đợi Út Thêm để cho Út thêm cái này!
– Gì vậy ?
– Xoài .
– Xoài ?
Tôi liếm môi:
– Ừ, xoài thanh ca! – Sợ chưa chắc ăn, tôi hùng hồn quảng cáo – Xoài thanh ca ngon lắm!
Út Thêm không nói gì. Nó chỉ cười khúc khích.
Tiếng cười vốn có nhiều ý nghĩa . Tôi chẳng hiểu tiếng cười của Út Thêm mang ý nghĩa nào . Rằng nó đồng ý hay từ chối lời hò hẹn của tôi . Để yên tâm hơn, tôi hỏi lại:
– Nghen?
– Ừ.
Út Thêm “ừ” ngọt xớt. Ngọt gấp ngàn lần xoài thanh ca . Ngọt đến mức khi nó đã bỏ đi rồi, tôi vẫn còn đứng sững giữa đường ngơ ngẩn nhìn theo .
Chương 15
Tôi cứ đinh ninh cuộc trò chuyện của tôi với Út Thêm diễn ra trong vòng bí mật. Nào ngờ, tôi vừa thò đầu vào nhà, thằng Dế đã hỏi ngay:
– Khi nãy anh gặp chị Út Thêm phải không?
Tôi điếng người:
– Sao mày biết?
– Khi nãy, lúc băng đồng về nhà, em nhìn thấy.
Tưởng nó nghe ai nói chứ nếu chính mắt nó thấy, tôi hết đường chối. Mà càng chối, nó càng nghi. Tôi bèn ậm ừ:
– Tao ra suối lấy trứng chèo bẻo, tình cờ gặp nó.
Dế nhìn lom lom vô túi áo tôi:
– Trứng chèo bẻo đâu ?
Tôi chép miệng:
– Tao lấy đâu có được. Con chèo bẻo mẹ bay vô tấn công dữ quá, tao đành phải leo xuống.
Tôi mừng rơn khi thấy Dế quay sang chuyện chim chóc. Nhưng Dế là đứa ác ôn. Khi thấy tôi không lấy được trứng chim, nó liền quay trở lại đề tài cũ:
– Anh nói chuyện gì với chị Út Thêm vậy ?
Tôi khịt mũi:
– Tao nói chuyện thằng Dư.
– Anh nói sao ?
– Tao hỏi vết thương sau ót thằng Dư đã lành chưa.
– Lành chưa ?
– Rồi. Nhỏ Út Thêm bảo là vết thương đang kéo da non.
Nói xong, tôi tặc lưỡi nhìn ra sân nắng. Tôi đang nghĩ cách thoát khỏi tình huống gay go này. Nhưng Dế không để tôi yên. Thấy tôi im lặng lâu lắc, nó sốt ruột:
– Rồi sao nữa ?
– Sao là sao ?
– Anh còn nói chuyện gì nữa ?
Tôi thở dài:
– Tao có nói chuyện gì nữa đâu! Nói tới đó là hết rồi!
Dế tỏ vẻ nghi ngờ:
– Em thấy hai người nói chuyện với nhau lâu lắm mà!
Thằng Dế này là con nít mà nó để ý chuyện “người lớn” chi kỹ vậy không biết! Tôi than thầm trong bụng, đầu loay hoay tìm đường nó trớ. Nghĩ một lát, tôi ấp úng phịa:
– À, à… nhỏ Út Thêm còn nói chuyện này. Khi nãy tao quên mất.
– Chuyện gì vậy ?
– Nó bảo là tụi mình với tụi thằng Dư đừng chơi trò đánh nhau nữa.
Dế gãi gáy:
– Đừng đánh nhau nữa ?
– Ừ. Nó bảo chơi trò đánh nhau rất nguy hiểm. Rủi chết người là có đứa đi tù.
Nghe nói đi tù, Dế rùng mình. Nó dòm tôi, thấp thỏm hỏi:
– Chị Út Thêm có biết thằng Dư bị tụi mình bắn không?
Tôi nhún vai:
– Nó không nói. Nhưng chắc là nó biết.
Dế không hỏi nữa. Mà ngồi trầm ngâm. Chắc nó đang nhớ lại những trận giao tranh ác liệt với tụi xóm Miễu để giành quyền thống trị khúc suối nhỏ chia đôi hai xóm. Giã từ những trận đánh nhau, những trò ném đất bụi mù cả một quãng đồng, hẳn Dế tiếc đứt ruột. Tôi liếc nó, thấy mặt nó thẫn thờ, xa vắng. Nhưng tôi phớt lờ. Tôi mặc Dế buồn thỉu buồn thiu. Bởi vì tôi đã chán đánh nhau. Đánh nhau với thằng Dư “em tôi”, tôi càng không muốn.
Dế chẳng hiểu tâm trạng éo le của tôi. Trầm tư một hồi, nó chép miệng, giọng băn khoăn:
– Mình không đánh nó, nó cũng đánh mình!
– Mắc chi nó đánh mình?
Dế rụt cổ:
– Đánh chứ! Hễ gặp nhau ngoài suối thế nào cũng “choảng”! Hai bên “thù” nhau lâu rồi!
– Không sao! – Tôi gật gù – Để khi nào gặp Út Thêm, tao sẽ bảo nó cấm thằng Dư gây chiến với tụi mình.
Tôi nói và cảm giác Dế không tin lời tôi. Nó không nói ra nhưng đôi mắt nó không giấu giếm vẻ nghi hoặc.
Dế không tin tôi cũng phải. Bởi vì, mặc dù tuyên bố hùng hồn như vậy, khi giáp mặt Út Thêm, tôi quên béng hết mọi thứ. Tôi chỉ mải nghĩ ngợi vẩn vơ. Tôi chỉ lo ăn nói sao cho đừng lắp bắp.
Chương 16
Tôi gặp lại Út Thêm vào sáng hôm sau.
Ăn cơm sáng xong, chờ cho Nhạn và Dế đi ra đồng, tôi liền tót ra trước cổng nhà ông Hai Đởm, tha thẩn dạo tới dạo lui. Tôi vừa ngóng về phía cầu tre trông chừng Út Thêm, vừa lấm lét nhìn quanh, sợ anh Thoảng hoặc thằng Thể thình lình bắt gặp.
Một lát sau, Út Thêm xách giỏ đi ngang. Hôm nay không có thúng thóc đội trên đầu, trông nó duyên dáng và mềm mại hơn. Nhác thấy tôi, nó mỉm cười hỏi ngay:
– Xoài của Út đâu ?
Trời đất, sáng sớm gặp tôi, nó không thèm chào hỏi mà nhắc ngay đến chuyện ăn uống! Con nhỏ này… tham ăn dễ sợ! Tôi than thầm trong bụng và bối rối xòe tay ra:
– Đâu có đây! Tôi cất trong nhà. Lát nữa, đợi Út Thêm đi chợ về, tôi mới đưa.
Út Thêm không nói gì. Nó cười với tôi thêm một cái nữa và tiếp tục… đi thẳng.
Tôi đứng nhìn theo Út Thêm một hồi lâu. Cho đến khi nó rẽ ngoặt sau một khúc quanh, tôi mới lững thững bỏ vào nhà.
Tôi lục chồng tập của Nhạn, xé một tờ giấy và nắn nót viết một dòng chữ to tướng “Hôm nào tôi ghé nhà Út Thêm chơi nghen!” Xong, tôi gấp tờ giấy lại bỏ vào túi áo. Rồi tôi trèo lên đầu tủ, lấy trái xoài giấu trên đó, cho vào túi quần. Trước khi đến chỗ hẹn, tôi còn đi vòng ra sau bếp, rút cái cần câu Nhạn nhét trên mái lá, cầm theo.
Trang bị đâu đó xong xuôi, tôi thả bộ xuống cầu tre. Ngồi bên chân cầu, tôi ngoan ngoãn đóng vai Lã Vọng. Xưa, ông Lã Vọng câu cá bằng lưỡi câu thẳng đuột. Nay tôi câu cá chẳng có lấy một con giun. Nhưng tôi khác ông. Ông chờ sự nghiệp. Còn tôi, tôi đợi… tình yêu.
Tình yêu đi chợ đến trưa trờ trưa trật. Mặt trời gần đứng bóng, nó mới đủnh đỉnh về ngang.
So với lần trước, lần này tôi đã bớt đần độn hơn. Vừa thấy bóng Út Thêm từ xa, tôi đã đứng bật ngay dậy, miệng cười toe toét.
Út Thêm thong thả tiến lại. Nó nhìn cái cần câu đang vung vẩy trên tay tôi, mỉm cười:
– Anh đang câu cá hả ?
– Ừ.
– Câu được mấy con rồi ?
– Chẳng được con nào hết.
– Chẳng được con nào ? – Út Thêm tròn mắt.
Tôi gật đầu và vung cần trúc lên. Tôi đưa qua đưa lại cái lưỡi câu sáng loáng trước đôi mắt mở to của nó, hắng giọng nói:
– Tôi đâu có móc mồi.
– Không móc mồi làm sao câu cá được? – Giọng Út Thêm kinh ngạc.
Tôi cười:
– Tôi đâu có câu cá.
Tôi nói thật nhưng Út Thêm coi bộ không tin. Nó tưởng tôi thích giễu hề. Vì vậy, nó cười:
– Anh chỉ đùa!
Tôi liếm môi:
– Tôi nói thật mà. Tôi chỉ giả bộ câu cá thôi. Tôi ngồi đây chính là để… đợi Út Thêm.
Những tiếng cuối cùng, tôi nói một cách khó khăn. Dường như nỗi xúc động đã khiến tôi đánh mất tự nhiên. Nhưng Út Thêm chẳng để ý đến vẻ lúng túng của tôi. Đối với nó, thế giới chẳng có gì thay đổi sau câu nói “tình tứ” của tôi. Hẳn nó xem việc tôi ngồi đợi nó ở chân cầu hay thằng Dư ngồi đợi nó ở nhà cũng chẳng khác gì nhau. Nó reo lên một cách hồn nhiên:
– A, anh đợi Út để đưa xoài phải không?
Út Thêm làm tôi buồn quá chừng. Tôi uể oải móc trái xoài trong túi quần ra đưa cho nó:
– Nè!
Út Thêm cầm lấy trái xoài. Nó mân mê một hồi rồi bỏ vào giỏ:
– Thôi Út về nghen! Trưa rồi!
Giọng Út Thêm hờ hững. Nó từ giã tôi, cũng vội vã như những lần tôi từ giã nhỏ Thơm. Ý nghĩ đó khiến tôi ai oán:
– Trưa đâu mà trưa!
Út Thêm không buồn cãi nhau với tôi. Nó chỉ nói:
– Út phải về nấu cơm!
Lý do của Út Thêm chính đáng đến mức tôi không dám giở giọng nài nỉ. Tôi chỉ lẽo đẽo đi theo nó và chờ lúc nó không để ý, tôi nhanh tay móc tờ giấy trong túi áo ra tuồn vào chiếc giỏ trên tay nó.
Út Thêm chẳng hay biết gì. Nó vẫn vô tình rảo bước, không hay trái tim tôi đang nằm trong giỏ đồ chợ của nó, đang cựa quậy không ngừng giữa mớ rau, mớ cá tanh nồng.
Chương 17
Khi lén lút bỏ “lá thư” vào giỏ của Út Thêm, tôi không nghĩ nó khờ khạo đến mức tưởng đó là giấy lộn. Vì vậy, khi gặp lại nó và sau một hồi dò hỏi, tôi không tránh khỏi sững sờ.
– Hôm qua Út Thêm có thấy gì lạ trong giỏ đồ chợ không? – Vừa gặp, tôi hớn hở hỏi ngay.
– Thấy gì là thấy gì? – Út Thêm ngơ ngác.
– Có một tờ giấy… – Tôi đáp lấp lửng.
Út Thêm nhíu mày:
– Tờ giấy hả ? Ờ, ờ… có.
Tôi tằng hắng:
– Út Thêm đã đọc chưa ?
– Đọc gì kia ?
Tôi nuốt nước bọt:
– Thì đọc… tờ giấy! – Và tôi ấp úng nói thêm – Tờ giấy của tôi đó!
– Của anh?
– Ừ. Hôm qua tôi bỏ vào.
Út Thêm mở to mắt:
– Anh bỏ vào lúc nào, sao Út không biết?
Tôi cười:
– Làm sao Út Thêm biết được! Tôi bỏ… lén!
Út Thêm cũng cười. Và nó tò mò nhìn tôi:
– Anh bỏ giấy vào giỏ Út chi vậy ?
Vẻ ngây thơ của Út Thêm khiến tôi phát bực. Đây là lần thứ hai nó dùng cái từ “chi vậy” oái oăm để hỏi tôi. Sau một thoáng phân vân, tôi đánh liều giải thích:
– Cái đó người ta gọi là… gửi thư.
Đến đây, dường như Út Thêm đã mơ hồ hiểu ra hành động của tôi. Nó không hỏi mà bẽn lẽn quay mặt đi. Nhưng nó không hỏi thì kệ nó. Tôi cứ hỏi:
– Sao, Út Thêm đã đọc “lá thư” đó chưa ?
Út Thêm lắc đầu và lí nhí đáp:
– Chưa! Út liệng mất!
Câu trả lời của Út Thêm khiến tôi chưng hửng:
– Trời đất! Sao lại liệng?
– Út đâu có biết! – Út Thêm đáp với giọng biết lỗi – Út tưởng giấy người ta… gói rau!
Trời ơi, thư tình của tôi mà nó tưởng là giấy gói rau ngoài chợ! Con nhỏ này sao nó vô tình quá xá vậy không biết! Sự tưởng lầm của nó khiến tôi dở cười dở khóc, không biết phải trách nó hay nên tự trách mình.
Thấy tôi mặt mày bí xị, Út Thêm lo lắng hỏi:
– Mà anh viết gì trong đó vậy ?
– Đọc không đọc, bây giờ đi hỏi! – Tôi đáp, giọng giận dỗi.
– Thì Út có biết đâu!
Tôi nhún vai:
– Không biết thì mai biết!
Thấy Út Thêm lộ vẻ ngơ ngác, tôi tặc lưỡi giải thích:
– Ngày mai tôi sẽ bỏ vào giỏ của Út Thêm một tờ giấy khác.
Út Thêm chớp mắt:
– Lại “gửi thư” nữa hả ?
– Ừ.
Tôi đáp. Và nhìn đăm đăm vào mắt Út Thêm.
Út Thêm tránh ánh mắt của tôi. Nó nhìn bâng quơ lên ngọn sầu đông, khẽ nói:
– Muốn nói gì với Út, anh cứ nói Út nghe! Đừng gửi thư cho Út nữa!
Tôi liếm môi:
– Sao vậy ? Út Thêm sợ bị mẹ mắng hả ?
Út Thêm lắc đầu:
– Mẹ Út chẳng bao giờ mắng Út!
Tôi gãi cổ:
– Thế thì tại sao ?
Út Thêm không trả lời ngay. Nó cũng chẳng nhìn lên ngọn sầu đông nữa. Mà nhìn xuống đất. Mãi một hồi lâu, giọng Út Thêm mới vang lên, xa xăm và buồn bã:
– Tại Út không biết đọc!
Lời thổ lộ bất ngờ của Út Thêm khiến tôi há hốc mồm:
– Không biết đọc?
Buột miệng xong, tôi chợt nhận ra mình vừa hỏi một câu ngu ngốc. Út Thêm đã thú nhận điều đó một cách khổ tâm, vậy mà tôi lại dại dột nhắc lại sự đau lòng của nó thêm một lần nữa.
Chẳng biết làm gì cho đỡ áy náy, tôi cúi xuống nhặt một nhánh sầu đông khô gãy dưới chân, vò vò trong tay và bâng khuâng hỏi:
– Hồi nhỏ, Út Thêm không đi học hả ?
– Có. Nhưng Út chỉ học tới lớp hai! – Út Thêm đáp, vẫn không ngẩng đầu lên.
Tôi ngạc nhiên:
– Học lớp hai Út Thêm phải biết đọc chứ?
– Hồi đó thì biết. Nhưng nghỉ lâu quá rồi, Út quên hết trơn.
Hóa ra vậy. Tự dưng tôi cảm thấy bùi ngùi:
– Sao hồi đó Út Thêm nghỉ học vậy ?
Út Thêm không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Nó chỉ thở dài:
– Nhà Út đông anh em lắm!
Nhà đông anh em, hẳng ba mẹ Út Thêm không đủ sức cho tất cả con cái đến trường. Và điều không may đó đã rơi vào Út Thêm. Nó không nói rõ, nhưng tôi hiểu. Tự dưng tôi đâm buồn lây nỗi buồn của Út Thêm. Tội nghiệp nó ghê! Hèn gì hôm trước tôi gạ cho nó mượn truyện, nó cứ một mực chối từ.
– Vậy là anh biết rồi hén? – Út Thêm bỗng lên tiếng phá tan sự im lặng nặng nề.
Tôi liếc nó:
– Biết gì?
– Biết Út không biết đọc.
– Ừ. Mà sao ?
– Vậy bây giờ anh nói cho Út nghe đi!
Tôi vẫn chưa hiểu:
– Nói gì?
Út Thêm cười:
– Nói cái gì anh viết trong thư đó!
– À. – Tôi ấp úng buột miệng – Trong thư ấy hả ? Trong thư tôi chỉ viết có… một câu thôi!
– Câu gì vậy ?
Tôi ngập ngừng:
– Câu… hỏi.
– Thì là câu hỏi. Nhưng anh hỏi gì?
Tôi gãi đầu:
– Tôi muốn hỏi Út Thêm là… hôm nào tôi đến nhà Út Thêm chơi được không!
Tôi vừa nói xong, Út Thêm che miệng cười khúc khích:
– Có vậy mà cũng viết thư! Anh buồn cười ghê!
Út Thêm cười, tôi đành nhe răng cười theo:
– Sao, được không?
– Được gì kia ?
Tôi khịt mũi:
– Chuyện tôi đến chơi nhà Út Thêm ấy!
– Khi nào anh muốn đến thì cứ đến, có gì mà không được!
Tôi mừng rơn:
– Thật hén?
– Ừ.
Bỗng nhớ đến một chuyện quan trọng, tôi vội hỏi:
– Nhưng nhà Út Thêm ở chỗ nào ? Dễ tìm không?
– Dễ ợt hà! – Vừa nói, Út Thêm vừa chỉ tay về phía tán phượng đang cháy đỏ bên kia trảng – Anh thấy cây phượng đằng kia không?
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian